Đầu tiên, mình xin cám ơn bạn Hoài Ngân đến từ kênh ITgirls đã viết về một chủ đề khá hay: 5 bước để trở thành 1 Tester? Hôm nay, mình xin phép được chia sẻ lại chủ đề này trong blog của mình.
Hiện nay, theo mình thấy thì ngành tester đang khá hot và có rất nhiều bạn trái ngành muốn chuyển qua làm tester. Nhưng mà, câu hỏi đặt ra là: Làm sao để trở thành tester khi bạn không phải là dân công nghệ thông tin và cũng không có kinh nghiệm gì? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy đi qua từng bước như bên dưới nhé.
Nội dung
Bước 1: Khởi động
Bước này cực kỳ quan trọng. Bạn cần trả lời được câu hỏi “Tại sao mình muốn trở thành một 1 tester?” Có thể là thu nhập, môi trường, cơ hội, hoặc đơn giản chỉ vì bạn thấy nghề tester là hợp với cái tính cách tỉ mỉ của bạn. Nhiều lắm, nhưng mà dù lý do là gì đi nữa thì nó cũng nên đủ mạnh và đủ thuyết phục để giúp bạn có thể vượt qua những cơn “chán việc” chắc chắn sẽ xảy sau này.
Một câu hỏi khác liên quan đến chuyên môn mà bạn cần suy ngẫm là: “Mình thích làm manual hay là automation?” Mình sẽ giải thích nhanh nếu mà bạn nào chưa biết đến 2 thuật ngữ này:
- Manual testing hay còn gọi là kiểm thử thủ công. Nghĩa là công việc tìm kiếm lỗi sai và báo cáo kết quả kiểm thử sẽ được thực hiện hoàn toàn bằng tay của người tester, hầu như ko có sự trợ giúp của các công cụ. Có nhiều bạn nói vui là “chạy test bằng cơm”.
- Còn Automation testing hay còn gọi là kiểm thử tự động là việc thực hiện kiểm thử thông qua những công cụ/phần mềm được lập trình từ trước, nhờ đó tốn rất ít hoặc hầu như không tốn công sức của con người. Nếu bạn là Automation tester, bạn sẽ là người phát triển những phần mềm chuyên dùng để kiểm tra những phần mềm khác.
Nếu bạn hoàn toàn không hứng thú với công việc lập trình, thì có lẽ Manual tester là một lựa chọn hợp lý. Thông thường, để tạo nên một quy trình kiểm thử phần mềm hiệu quả, các dự án sẽ kết hợp cả Automation và Manual testing. Nếu bạn muốn thử thách bản thân và thực sự ưa thích công việc tự động hóa những tác vụ chân tay thì Automation testing chính là câu trả lời. Nhưng mà đừng bạn đừng quá áp lực phải chọn 1 trong 2 ngay lúc bắt đầu nha, trải nghiệm làm việc sau này chắc chắn sẽ cho bạn một định hướng rõ ràng hơn. Nếu còn hơi mơ hồ, thì lời khuyên của mình là hãy cứ bắt đầu với Manual testing nhé. Vì đó là nền tảng bắt buộc mà mọi tester phải có để đi xa hơn trong con đường kiểm thử phần mềm.
Bước 2: Chuẩn bị cho mình những kiến thức testing cơ bản
Đầu tiên, cách nhanh nhất là tìm kiếm cho mình một nơi đào tạo tester uy tín. Việc tham gia vào một lớp học tester cũng sẽ giúp bạn có nhiều động lực hơn, có nhiều bạn bè cùng chung chí hướng + với một lộ trình học tập rõ ràng thì mình tin là các bạn sẽ có thể hoàn thành khóa học và bắt đầu đi làm sớm thôi. Hiện nay thì có rất nhiều các khóa học đào tạo tester cả online và offline. Thời gian học trung bình cho một khóa manual testing là khoảng từ 3-6 tháng, các khóa dạy automation testing thì có thể lâu hơn. Chi phí đào tạo thì mỗi nơi mỗi khác, tùy thuộc vào quy mô và chất lượng. Vì vậy, các bạn nên dành thời gian nghiên cứu thật kỹ để chọn ra một nơi phù hợp nhất với bản thân.
Cách thứ 2 dành cho những bạn không đủ khả năng tài chính, hoặc không tìm được khóa học đào tạo phù hợp. Trong trường hợp này, bạn cần có một sự quyết tâm và kiên trì để tự học. Giáo trình mình recommend cho các bạn là ISTQB Foundation. Các bạn có thể research để tìm đọc thêm về tài liệu ISTQB, sau đó lập cho mình một kế hoạch học tập và hãy cố gắng kiên trì kiên trì. Đây là tài liệu tiếng anh, nên các bạn chịu khó đọc nhé. Giáo trình này bao gồm tất cả những kiến thức kiểm thử căn bản mà một tester cần nắm.
Bước 3: Ôn tập và chuẩn bị phỏng vấn
Sau khi có được một lượng kiến thức cơ bản về testing, thì đó là lúc chuẩn bị cho những vòng phỏng vấn căng thẳng. Các bạn hãy tự chuẩn bị cho mình một CV và nộp đơn vào các vị trí thực tập, hoặc là các vị trí fresher tester. Hiện tại mình thấy các công ty đang tuyển khá là nhiều, nên các bạn đừng lo là không tìm được việc nhé. Ngoài những kiến thức về testing, thì Tiếng Anh cũng không kém phần quan trọng. Nên nếu có thể thì bạn hãy bắt đầu cải thiện khả năng tiếng anh của mình. Nếu có phỏng vấn trượt thì các bạn cũng đừng nản. Mỗi công ty đều có những yêu cầu khác nhau. Có thể bạn fail vì lí do không hợp văn hóa công ty, hoặc là bạn chưa đủ kiến thức về lĩnh vực mà công ty đó đang làm. Vì vậy, bạn hãy quay về ôn tập lại kiến thức, cải thiện Tiếng anh và tiếp tục chuẩn bị cho những lần phỏng vấn tiếp theo. Mỗi lần phỏng vấn sẽ là một dịp để mình học thêm nhiều thứ thú vị, biết đâu lần sau bạn lại đậu một vị trí tốt hơn.
Bước 4: Học hỏi kinh nghiệm
Bước thứ 4, đậu rồi thì đi làm thôi. Mỗi công ty, mỗi dự án sẽ yêu cầu những kỹ năng khác nhau. Trong đó có thể là Tiếng anh, hay một ngôn ngữ lập trình mới, hoặc một kỹ năng mềm như giao tiếp với các members khác trong team. Nói chung là sẽ có rất nhiều thứ để học khi bạn bắt đầu đi làm. Nhưng mình nghĩ nếu bạn muốn đi xa hơn trong nghề IT đó là không ngừng học hỏi và luôn luôn sẵn sàng làm những thứ mới mẻ.
Bước 5: Thi chứng chỉ quốc tế ISTQB
Bước cuối cùng mình muốn nói đến này là bạn nên thi lấy chứng chỉ Foundation ISTQB. Đây là một chứng chỉ quốc tế trong lĩnh vực Software testing. Nó như là một tấm bằng để bạn hành nghề tester vậy. Hiện nay, cũng có rất nhiều công ty Mỹ, Châu Âu, Úc … yêu cầu ứng viên có bằng này khi phỏng vấn. Hoặc trong “Job Description” họ ghi: “Có ISTQB là 1 lợi thế”. Vì vậy, mình tin là sau khi nắm vững được kiến thức từ giáo trình này, và cầm được chứng chỉ trên tay thì các bạn sẽ phần nào cảm thấy tự tin hơn về khả năng chuyên môn của mình.